World War Z – Lịch sử truyền miệng của cuộc đại chiến Zombie – Phần 7

BETHLEHEM, PALESTINE

[Với vẻ ngoài vạm vỡ và nét quyến rũ đầy tao nhã, Saladin Kader có thể trở thành một ngôi sao màn bạc. Anh thân thiện nhưng không khúm núm,tự tin nhưng không ngạo mạn. Anh là giáo sư về quy hoạch đô thị ở Đại học Khalil Gibran và tất nhiên là được học sinh nữ rất cảm mến. Chúng tôi ngồi dưới bức tượng mang tên trường. Cũng như tất cả mọi thứ trong thành phố thịnh vượng nhất Trung Đông này, cái chất đồng bóng loáng của nó sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời.]

Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố Kuwait. Tôi thuộc là một trong số những gia đình “may mắn” không bị trục xuất sau khi Arafat trở thành đồng minh của Saddam năm 1991 và cùng nhau chống lại thế giới. Chúng tôi không dư dật nhưng cũng không túng thiếu. Tôi sống khá thoải mái, thậm chí còn được bao bọc khá kỹ. Lối sống ấy bộc lộ rõ qua từng cử chỉ hành vi của tôi thời ấy.

Tan học, ngày nào tôi cũng đi làm thêm ở Starbucks. Tôi có xem một bản tin của Al Jazeera từ sau quầy thanh toán. Lúc đó đang buổi chiều, đúng giờ cao điểm, cả quán chật ních. Anh phải ở đó nghe tiếng hò hét, tiếng reo mừng, tiếng huýt gió mới thấy chất. Độ ồn ở đây chắc cũng ngang ngửa nơi diễn ra Đại Hội.

Tất nhiên chúng tôi đều cho đó toàn là những lời bịp bợm của bọn phục quốc Do Thái. Ai chẳng nghĩ thế? Tôi biết nghĩ gì sau khi nghe đại sứ Israel công bố trước Hội Đồng Liên Hiệp Quốc rằng đất nước ông ta đang thực thi chính sách “tự nguyện cách li”? Chả nhẽ tôi lại đi tin cái câu chuyện điên rồ của lão rằng bệnh dại Châu Phi thực chất là một đại dịch mới có khả năng biến xác chết thành những kẻ ăn thịt khát máu à? Tin làm sao được cái thứ vớ vẩn đó, nhất là khi được nghe từ miệng kẻ tử thù của mình?

Tôi chả buồn nghe phần hai bài nói của lão béo ấy. Lão đề cập đến việc cho phép bất cứ người Do Thái sinh ra ở nước ngoài nào, bất cứ người ngoại quốc nào có bố mẹ là người Israel, bất cứ người Palestine nào hiện đang sống trong vùng bị chiếm đóng trước kia hoặc có gia đình đã từng sống trong lãnh thổ Israel được phép tị nạn mà không cần tra hỏi gì hết. Gia đình tôi rơi vào nhóm cuối, vốn là dân chạy nạn trong cuộc chiến của bọn phục quốc Do Thái năm 1967. Nghe theo sự chỉ đạo của PLO (1), chúng tôi trốn khỏi làng, lòng tin tưởng rằng mình sẽ có thể hồi hương ngay khi những người anh em từ bên Ai Cập và Syria đẩy lùi bọn Do Thái ra biển. Tôi chưa bao giờ đến Israel, hay cái phần đất sắp sửa bị sát nhập thành một tiểu bang của đất nước Palestine Thống Nhất.

Theo ông mục đích thực của chiêu bài bên Israel đang sử dụng là gì?

Tôi nghĩ thế này: Đám phục quốc do thái vừa bị tống ra khỏi vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Cũng như ở Lebanon và mới gần đây là Dải Gaza, chúng nói chúng tự nguyện rời đi, nhưng thực chất thì cũng như hồi trước, chúng tôi biết chính mình đã đánh đuổi chúng đi. Chúng thừa hiểu đòn đánh tiếp theo sẽ là cú đánh chí tử, tiêu diệt toàn bộ cái quốc gia hung tàn ấy. Và để chuẩn bị cho phát giáng cuối cùng ấy, chúng đang tìm cách tuyển mộ người Do Thái ở nước ngoài làm bia đỡ đạn và… và — hồi đấy tôi rất khâm phục sự thông minh của mình sau khi nghĩ ra cái này — bắt cóc càng nhiều người Palestine càng tốt để làm lá chắn người! Tôi đã biết hết các câu trả lời. Tuổi mười bảy đứa nào chả thế?

Cha tôi không tin lắm cái nhìn thiên tài về địa chính trị của tôi. Ông làm lao công ở bệnh viện Amiri. Ông trực hôm trận dịch dại Châu Phi cỡ lớn đầu tiên bùng nổ. Ông không được tận mắt chứng kiến cảnh xác chết sống lại hay vụ thảm sát của các bệnh nhân hoảng loạn và nhân viên an ninh, nhưng ông đã chứng kiến hậu quả của nó đã đủ để khiến ông tin rằng ở lại Kuwait chẳng khác nào tự sát. Ông quyết định rời đi ngay hôm Israel đưa ra tuyên bố ấy.

Chắc ông hơi khó chấp nhận chuyện đó.

Thật đáng sỉ nhục! Tôi cố giúp ông nhìn ra sự thật, cố gắng thuyết phục ông bằng mớ lôgic non trẻ của mình. Tôi đưa ông xem những bức hình lấy từ Al Jazeera, những bức hình chụp ở bang Bờ Tây mới của Palestine; cảnh ăn mừng, cảnh biểu tình. Ai có mắt cũng đều có thể thấy rõ ngày độc lập hoàn toàn đã sắp đến. Quân Israel đã rút khỏi các khu vực chiếm đóng và đang chuẩn bị sơ tán Al Quds, nơi chúng gọi là Jerusalem! Tôi chắc nịch tất cả các cuộc chiến tranh phe phái, các cuộc bạo động giữa các nhóm phiến quân sẽ ngớt đi một khi chúng ta đoàn kết lại giáng đòn kết liễu bọn Do Thái. Sao cha tôi không thấy được điều đó? Chẳng lẽ ông lại không hiểu là chỉ vài năm, vài tháng nữa thôi, chúng tôi sẽ trở về quê nhà với tư cách là những giải phóng quân, không phải những con dân chạy nạn.

Cuộc tranh cãi ấy được giải quyết ra sao?

“Giải quyết”, cách nói hay đấy. Nó được “giải quyết” ngay sau trận bùng phát thứ hai với quy mô lớn hơn ở Al Jahra. Cha tôi ngay lập tức thôi việc, rút hết mấy hào lẻ trong cái tài khoản gần như trống rỗng… hành lý được chuẩn bị… vé đã được đặt trên mạng. Tiếng tivi nổi lên ồn ã, chiếu cảnh cảnh sát chống bạo động đạp cửa xông vào một ngôi nhà. Chả thấy họ đang bắn cái gì ở trong đó. Thông báo chính thức đổ hết lỗi lên đầu “những kẻ cực đoan ủng hộ phương Tây.” Như lệ thường, tôi và cha mình đang cãi nhau. Ông cố thuyết phục tôi về những gì ông đã thấy ở bệnh viện, cố nói rằng đến khi giới cầm quyền thừa nhận nguy hiểm thì đã quá muộn rồi.

Tất nhiên tôi nhạo báng sự ngu dốt hèn mọn của ông, nhạo báng việc ông sẵn sàng từ bỏ “Cuộc Kháng Cự”. Tôi còn có thể trông chờ gì vào một người cả đời cọ toa lét ở cái đất nước mà nhân dân được đối xử chỉ hơn lũ Philippines xuất khẩu lao động có tí xíu? Ông đã đánh mất chính kiến, đánh mất lòng tự trọng. Đám phục quốc Do Thái đang chìa ra mấy lời hứa trống rỗng về một cuộc sống tốt đẹp hơn và ông đang vồ lấy nó như chó thấy thịt thừa.

Kiên nhẫn hết mức có thể, cha tôi cố làm cho tôi hiểu rằng ông chẳng tha thiết gì đám người Israel hơn mấy tên cảm tử ở Al Aqsa, nhưng họ là quốc gia duy nhất có vẻ đang chuẩn bị đương đầu với tai ương sắp đến, và rõ ràng là nơi duy nhất sẵn sàng bảo vệ và cho gia đình chúng tôi chốn nương thân.

Tôi cười thẳng vào mặt ông. Sau đó tôi ném cái tin trời đánh: tôi bảo với ông rằng tôi đã tìm thấy trang web Hậu duệ của Yassin (2) và đang đợi e-mail từ một người tuyển quân đang hoạt động ở thành phố Kuwait. Tôi bảo cha tôi cứ đi làm trâu ngựa cho lũ yehud nếu ông muốn, nhưng lần tới cha con hội ngộ sẽ là khi tôi giải cứu ông khỏi trại tập trung. Tôi rất tự hào khi phun ra những lời đó, nghe đậm chất anh hùng. Tôi nhìn trừng trừng vào cha tôi, lúc đó đang đứng ở đầu kia cái bàn, và đưa ra phán quyết cuối cùng: “Trong mắt thánh Allah, những kẻ không có đức tin đều là lũ súc vật đê tiện nhất!”(3)

Cái bàn ăn đột nhiên chết lặng. Mẹ tôi cúi mặt xuống, mấy đứa em gái tôi thì nhìn nhau. Giờ chỉ còn nghe thấy mỗi tiếng cái tivi, nghe thấy mỗi cô phóng viên hiện trường hoảng hốt kêu gọi mọi người giữ bình tĩnh. Cha tôi không phải tạng người to lớn gì cho cam. Hồi đó, tôi nghĩ tôi còn đô con hơn ông. Ông cũng không phải người hay cáu gắt; tôi gần như chưa bao giờ thấy ông cao giọng. Tôi thấy trong mắt ông lóe lên cái gì đó mà tôi không nhận ra, và đột nhiên ông tóm lấy tôi, nhanh như một cơn lốc. Ông lẳng tôi vào tường, tát tôi đau đến mức ù cả tai đi. “Mày PHẢI đi!” ông vừa gầm lên vừa tóm lấy vai tôi, liên tục đập tôi vào bức tường giẻ rách. “Tao là cha mày! Mày PHẢI NGHE LỜI TAO!” Cú tát tiếp theo làm mắt tôi nổ đom đóm. “MÀY SẼ ĐI VỚI GIA ĐÌNH NÀY HOẶC LÀ MÀY SẼ KHÔNG SỐNG SÓT MÀ RA KHỎI CĂN PHÒNG NÀY!” Ông lại tiếp tục tóm, xô đẩy gào thét và tát bôm bốp. Tôi chả hiểu cái người đàn ông này, cái con sư tử đã thế chỗ người cha hiền lành, nhu nhược của tôi từ đâu mọc ra. Con sư tử ấy đang bảo vệ lũ con của mình. Ông biết vũ khí duy nhất ông còn có thể dùng để cứu mạng tôi là sự sợ hãi và nếu căn bệnh không làm tôi sợ thì, mẹ kiếp, tôi sẽ phải sợ ông!

Nó có tác dụng không?

[Cười.] Như tôi thì cảm tử quân cái nỗi gì. Hình như tôi khóc suốt dọc đường đi đến Cairo.

Cairo?

Không có chuyến nào bay trực tiếp từ Kuwait đến Israel. Và sau khi Liên Đoàn Ả Rập thi hành chính sách hạn chế di chuyển thì ngay cả bay từ Ai Cập cũng không được. Chúng tôi phải bay từ Kuwait sang Cairo rồi bắt xe buýt băng qua sa mạc Sinai để đến chỗ chuyển giao ở Taba.

Khi đến gần biên giới, tôi được diện kiến Bức Tường lần đầu tiên trong đời. Bấy giờ nó vẫn chưa được xây xong, trên nền xi măng vẫn còn mấy thanh thép trần tòi ra. Tôi có nghe về cái “hàng rào an ninh” khét tiếng — điều người dân ở các nước Ả Rập không biết — nhưng tôi cứ tưởng nó chỉ bao quanh Bờ Tây và Dải Gaza. Nhìn thấy nó ở nơi sa mạc hoang vu này, tôi càng tin tưởng vào giả thuyết rằng bên Israel đang trông chờ một cuộc tấn công dọc toàn bộ biên giới. Tốt, tôi thầm nghĩ. Cuối cùng bọn Ai Cập cũng đã tìm lại được chút dũng khí.

Ở Taba, chúng tôi bị bắt xuống xe và được ra lệnh xếp hàng dọc đi băng qua chuồng của mấy con chó to lớn trông rất dữ dằn. Chúng tôi từng người một đi vào. Một anh lính biên phòng người gốc Phi đen đúa gầy gò — Trước giờ tôi không hề biết Do Thái có người da đen (6)—chìa tay ra. “Chờ đó!” Anh ta nói với cái giọng Ả Rập rất khó nghe. Rồi sau đó, “đến anh, đi đi!” Đứng trước tôi là một ông già. Ông để râu dài bạc trắng và đi chống gậy. Ông vừa đi qua lũ chó, chúng ngay lập tức nổi điên lên, tru tréo, gầm gừ, cắn đớp loạn xạ và cứ lao vào thành chuồng. Ngay lập tức hai tay đô vật mặc thường phục tiến tới cạnh ông già, thì thầm gì đó vào tai ông ta và đưa ông ấy đi. Tôi có thể thấy ông ấy đang bị thương. Tấm áo dishdasha rách ngang hông của ông ố nâu màu máu. Nhưng mấy gã này chắc chắn không phải bác sĩ, và cái xe đen không biển số họ đưa ông lên cũng dứt khoát không phải xe cứu thương. Bọn khốn, tôi nghĩ thầm trong khi người nhà ông già kia đứng nhìn ông mà kêu khóc. Loại bỏ những người quá ốm yếu hay già cả mà chúng không muốn sử dụng. Sau đó đến lượt chúng tôi đi qua lũ chó. Chúng không sủa tôi hay bất cứ ai trong gia đình tôi cả. Hình như có con còn vẫy đuôi khi em tôi chìa tay ra. Nhưng đến người đàn ông đi sau chúng tôi thì… tiếng sủa, tiếng gầm gừ lại nổi lên, và mấy gã mặc thường phục bí ẩn kia lại đến. Tôi quay lại và ngạc nhiên khi thấy anh ta là người da trắng, chắc là người Mỹ hoặc Canada… không, chắc là người Mỹ đấy. Anh ta nói tiếng Anh cứ gào tướng lên. “Ê này, tôi là người khỏe mạnh mà!” Anh ta gào lên và kháng cự lại. “Thôi nào, mẹ kiếp, làm cái gì thế?” Anh ta ăn mặc rất lịch thiệp, diện bộ vest kèm cà vạt. Đống hành lý hợp tông màu bị quẳng sang một bên khi anh ấy bắt đầu chống đối lại mấy người Israel. “Này, thôi đi, cút xa tôi ra! Tôi cũng như mấy người thôi mà! Đùa gì thế!” Mấy cái khuy áo của anh ta bục tung, làm lộ một miếng băng thấm đẫm máu buộc quanh bụng. Khi bị lôi xềnh xệch vào trong xe, anh ta vẫn cứ đấm đá và gào thét loạn xạ. Tôi hiểu không nổi. Tại sao lại là họ? Rõ ràng là người Ả Rập hay không không quan trọng, hay thậm chí là có bị thương hay không cũng vậy. Tôi thấy có vài người tị nạn mang thương tích trầm trọng đi qua mà không hề bị lính canh làm gì. Họ được đưa lên chỗ mấy chiếc xe cứu thương đang đợi sẵn. Lần này là xe cứu thương thật chứ không phải mấy chiếc xe đen. Tôi đồ rằng lũ chó chắc đóng vai trò gì đó. Hay chúng được dùng để dò bệnh dại? Mỗi cái đó là nghe hợp lý nhất, và suốt dọc đường đến trại tị nạn ở ngoại ô Yeruham tôi cứ đinh ninh như thế.

Đó có phải là khu tái định cư?

Tái định cư kiêm khu cách ly. Hồi đó đối với tôi nó chả khác gì nhà ngục. Những gì xảy đến với chúng tôi đúng y chang dự kiến của tôi: lều chõng đủ kiểu, người người chen lấn chật chội, lính canh nhan nhản, dây thép gai chăng tứ phương, lại còn cả cái ánh nắng như đổ lửa của mặt trời sa mạc Negev nữa. Chúng tôi thấy mình như tù nhân.Thực chất chúng tôi đúng là tù nhân, và dù gan tôi không đủ lớn để bảo với cha tôi rằng “nói rồi không nghe”,nhìn gương mặt cay đắng của tôi chắc ông cũng đủ hiểu.

Tôi chỉ không lường trước được vụ khám sức khỏe. Ngày nào cũng có cả một đội quân nhân viên y tế hùng hậu khám nghiệm chúng tôi. Máu, da, tóc, nước bọt, thậm chí cả nước tiểu và phân (4)… thật là quá sức mệt mỏi, quá phỉ báng. Điều duy nhất khiến mọi thứ dễ chịu hơn một chút và thậm chí còn có thể là giúp ngăn không cho một cuộc bạo động giữa đám người Hồi giáo xảy ra đó là phần lớn bác sĩ và y tá lãnh nhiệm vụ khám sức khỏe là người Palestine. Bác sĩ khám mẹ và các em gái tôi là một phụ nữ Mỹ đến từ thành phố Jersey. Ông bác sĩ khám nghiệm chúng tôi đến từ Jalabiya ở Gaza và chính ông mới chỉ mấy tháng trước còn là tù nhân ở đây. Ông liên tục trấn an chúng tôi rằng, “Đến đây là một quyết định đúng đắn. Mấy người sẽ thấy. Tôi hiểu là rất khổ, nhưng rồi mọi người sẽ thấy đây là cách duy nhất.” Ông bảo với chúng tôi rằng mọi thứ phía Israel nói đều là sự thật. Tôi vẫn không thể tin ông ta được, mặc dù càng ngày càng có một phần trong tôi thực sự muốn.

Chúng tôi ở lại Yeruham đến ba tuần, mãi cho đến khi giấy tờ được xử lí và khám xét xong xuôi. Anh biết không, trong suốt quãng thời gian đó họ gần như không đoái hoài gì đến hộ chiếu của chúng tôi hết. Cha tôi đã làm hết sức để đảm bảo rằng giấy tờ chúng tôi đều hợp lệ hết. Có khi họ còn chẳng thèm quan tâm. Trừ khi bị Lực lượng Phòng vệ Israel hay cớm truy bắt vì các hành vi trái với giáo huấn thì anh chỉ cần có cái giấy chứng nhận sức khỏe tốt.

Bộ Công tác Xã hội cấp cho chúng tôi chứng từ trợ cấp nhà cửa, giáo dục miễn phí, và cấp cho cha tôi một công việc với mức lương đủ để nuôi sống cả nhà. Mọi thứ thật quá hoàn hảo, tôi vừa lên xe buýt đi Tel Aviv vừa nghĩ. Chắc lại sắp có biến rồi đây.

Vào đến thành phố Beersheba thì có biến thật. Lúc đó tôi đang ngủ, tôi không nghe thấy tiếng súng hay nhìn thấy cảnh kính khoang lái vỡ nát ra. Chiếc xe tròng trành mất kiểm soát khiến tôi giật mình tỉnh dậy. Chúng tôi đâm vào một tòa nhà. Có tiếng người la hét, khắp nơi vung vãi đầy máu và mảnh kính vụn. Cả nhà tôi ngồi gần chỗ cửa thoát hiểm. Cha tôi đạp tung cửa và kéo chúng tôi ra ngoài đường.

Đang có một vụ đọ súng. Đạn nã ra từ phía cửa sổ, cửa ra vào. Tôi thấy đây là cuộc chiến giữa binh lính và dân thường mang súng hoặc bom tự chế. Đây rồi! Tôi reo thầm. Tim tôi như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực! Cuộc giải phóng đã bắt đầu! Trước khi tôi kịp chạy ra gia nhập hàng ngũ các chiến hữu của mình, ai đó túm lấy áo tôi và kéo tôi vào một quán Starbucks.

Tôi bị ném lên trên sàn cạnh gia đình mình. Mấy đứa em gái tôi đang khóc thét lên còn mẹ tôi đang cố lấy thân mình che cho chúng. Cha tôi có một vết đạn bắn ở trên vai. Một tên lính IDF đẩy tôi ngã dúi xuống đất, ngăn không cho tôi nhìn ra phía cửa sổ. Tôi sôi máu lên; tôi ngó nghiêng xung quanh tìm thứ gì đó làm vũ khí, chẳng hạn như một mảnh kính vỡ để đâm xuyên cổ cái tên yehud này.

Đột nhiên cửa hậu quán Starbucks bật mở. Gã lính quay về phía đó và khai hỏa. Một cái xác đẫm máu rơi xuống sàn nghe cái thịch ngay bên cạnh chúng tôi, một quả lựu đạn lăn ra khỏi cái tay còn giật giật. Tên lính tóm lấy quả bom, định ném nó ra ngoài phố. Bay được nửa chừng thì nó phát nổ. Người tên lính ấy chắn chúng tôi khỏi vụ nổ. Hắn đổ sụp lên xác người anh em Ả Rập vừa bị sát hại của tôi. Mỗi tội đó không phải người Ả Rập. Khi vừa ráo nước mắt tôi nhận thấy hắn ăn vận một chiếc payess, một chiếc yarmulke và còn có cả một chiếc khăn tzitzit đầy máu rơi ra từ trong cái quần ẩm ướt, rách nát. Đây là một tên Do Thái, đám phiến quân vũ trang ngoài đường phố là người Do Thái! Trận chiến ác liệt đang nổ ra xung quanh chúng tôi không phải là một cuộc nổi dậy của các phần tử Palestine ly khai mà là phát súng đầu tiên khai màn cuộc Nội Chiến Israel.

Theo ông nguyên nhân của cuộc chiến ấy là gì?

Tôi nghĩ do nhiều nguyên nhân. Tôi biết việc hồi hương của người Palestine cũng như việc rút khỏi Bờ Tây không được người dân đồng tình lắm. Chắc Chương trình Tái định cư Chiến lược Hamlet đã khiến khá nhiều người bức xúc. Rất nhiều người dân Israel đã phải đứng nhìn nhà cửa mình bị san phẳng để nhường chỗ cho những khu dân cư tự cấp tự túc được gia cố. Theo tôi thì Al Quds là giọt nước cuối cùng. Liên minh Chính phủ quyết định rằng nơi ấy là một yếu điểm rất lớn, quá to không thể kiểm soát được, một lỗ hổng dẫn ngay vào trung tâm Israel. Họ không chỉ sơ tán thành phố mà còn cả dọc từ Nablus đến hành lang Hebron. Họ tin rằng xây một bức tường ngắn hơn dọc mốc biên giới 1967 là cách duy nhất để đảm bảo an ninh, cho dù quyết định ấy có thể gây phản ứng dữ dội từ phe cánh phải của mình. Mãi sau này tôi mới biết điều đó, anh hiểu chứ, cũng như việc lí do duy nhất phía IDF cuối cùng cũng thắng được đó là bởi phần lớn lực lượng phiến quân thuộc phe chính thống cực đoan nên chưa từng phục vụ trong quân ngũ. Anh biết điều đó không? Tôi thì không. Tôi nhận ra mình chẳng hiểu gì về những người mình đã căm ghét suốt cả cuộc đời. Hôm đó mọi thứ tôi nghĩ là sự thật đều tan thành mây khói và được thay thể bởi bộ mặt của kẻ thù đích thực.

Tôi cùng gia đình chạy vào khoang sau của một chiếc xe tăng Israeli (5). Đúng lúc ấy một cái xe không biển số hiện ra ở chỗ khúc quanh. Một quả tên lửa cầm tay phóng thẳng vào động cơ của nó.

Cả cái xe bắn ngược lên không trung, rơi sấp xuống và phát nổ, biến thành một quả cầu lửa khổng lồ. Còn vài bước nữa tôi mới chạm cửa xe tăng. Từng đó thời gian là đủ để thấy câu chuyện phơi bày ra trước mắt. Có mấy bóng người trèo ra khỏi xác xe đang cháy. Trông chúng như những ngọn đuốc chậm chạp, áo quần, da thịt dính đầy xăng và bốc cháy phừng phừng. Những người lính xung quanh chúng tôi bắt đầu khai hỏa vào đám người đang đi tới đó. Tôi có thể thấy rõ mấy lỗ hổng trên ngực chúng, nơi đạn bắn xuyên qua mà không gây tổn hại gì. Ông đội trưởng đứng cạnh tôi gào lên “B’rosh! Yoreh B’rosh!” và mấy người lính chỉnh lại tầm ngắm. Đầu những người… những con kia vỡ toác. Xác chúng vừa chạm đất thì lửa trên người chúng cũng lụi, để lại đằng sau những cái xác không đầu cháy đen thui. Đột nhiên tôi hiểu ra điều mà cha tôi đã cố cảnh báo tôi, điều mà người Israel đã cố cảnh báo thế giới! Điều duy nhất tôi không hiểu nổi là tại làm sao cả thế giới không một ai chịu lắng nghe.

Chú thích:

(1) – PLO: Palestine Liberation Organization – Tổ chức Giải phóng Palestine

(2) – Hậu duệ của Yassin: Một tổ chức khủng bố thanh thiếu niên lấy theo lên Sheikh Yassin quá cố với luật lệ chiêu mộ rất nghiêm ngặt. Mọi tử sĩ đều không được phép quá mười tám tuổi.

(3) – “Trong mắt thánh Allah, những kẻ không có đức tin là đều là lũ súc vật đê tiện nhất, vậy nên chúng không thèm tin.” Trích trong kinh Koran, phần tám 8, khổ 55.

(4) – Đến lúc này, chính phủ Israel đã hoàn thành chiến dịch “Moses II,” đưa người “Falasha” gốc Ethiopia cuối cùng vào Israel

(5) – Vào thời điểm đó, chưa ai biết liệu chủng virút này có thể sống sót trong các thứ chất thải bên ngoài cơ thể người hay không.

(6) – Khác với hầu hết xe tăng các nước khác, chiếc “Merkava” của Israel có cửa sau để triển khai quân.

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Create a website or blog at WordPress.com

Up ↑